Vay thế chấp là hình thức cho vay có tài sản đảm bảo. Khách hàng sử dụng các tài sản có giá trị như bất động sản (nhà ở, đất đai), xe ô tô ... để thế chấp cho khoản vay của mình tại ngân hàng. Quyền sở hữu tài sản vẫn còn với người đi vay, nhưng ngân hàng sẽ giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp. Nếu người vay không thể trả được nợ cho ngân hàng thì phải chuyển sở hữu tài sản cho ngân hàng để thanh lý trừ nợ.
Vay thế chấp là sản phẩm được cung cấp bởi các ngân hàng. Hiện nay các công ty tài chính chưa triển khai sản phẩm vay thế chấp.
Đặc điểm và lợi ích sản phẩm vay thế chấp
Vay thế chấp có các đặc điểm và lợi ích nổi bật sau:
- Uy tín của người đi vay được đảm bảo bằng tài sản đảm bảo có giá trị và chứng minh khả năng tài chính với nguồn thu nhập ổn định nên lãi suất cho vay thế chấp rất hấp dẫn khoảng từ 5% - 11%
- Thời hạn vay dài, 5 năm đến 10 năm với mua ô tô và vay xây - sửa nhà, từ khoảng 20 - 25 năm với vay mua nhà. Điều này giúp giảm gánh nặng trả nợ cho người đi vay.
- Số tiền mà khách hàng có thể vay rất lớn vào khoảng 70% - 80% giá trị tài sản đảm bảo, tối đa có thể lên đến 100% giá trị tài sản thế chấp.
- Đáp ứng được đa dạng mục đích vay vốn từ vay mua nhà, xây sửa nhà, mua ô tô, kinh doanh, du học...
- Khách hàng vẫn được giữ và sử dụng tài sản thế chấp trong quá trình vay vốn. Ngân hàng chỉ giữ bộ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu về tài sản của người đi vay.
- Các tài sản thế chấp chỉ bị thu hồi trong trường hợp người đi vay mất khả năng trả nợ.
- Tài sản dùng trong thế chấp chủ yếu là bất động sản, các phương tiện giao thông cơ giới như xe ô tô...
- Tài sản thế chấp có thể là tài sản được hình thành trong tương lai như căn hộ chung cư, biệt thự liền kề, ô tô chuẩn bị mua...
Phân loại và phân biệt các sản phẩm vay thế chấp
Sản phẩm vay thế chấp được phân loại chủ yếu theo mục đích vay, trong đó các sản phẩm phổ biến nhất là:
- Vay mua nhà: Là sản phẩm tín dụng tài trợ nguồn vốn cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua nhà đất hoặc nhà chung cư, biệt thự liền kề...
- Vay mua xe ô tô: Là sản phẩm tín dụng được triển khai cho những khách hàng vay vốn nhằm mục đích mua xe để phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc đi lại.
- Vay kinh doanh: Sản phẩm vay vốn hỗ trợ cho những khách hàng có nhu cầu huy động vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Người đi vay có thể đảm bảo khoản vay bằng các tài sản thế chấp như bất động sản, động sản, giấy tờ có giá hoặc mặt bằng đang kinh doanh...
- Vay du học: Là sản phẩm đáp ứng mục đích vay vốn để đi du học hoặc chứng minh năng lực tài chính để đi du học. Đối tượng vay vốn có thể là du học sinh hoặc thân nhân của du học sinh. Hạn mức vay tối đa có thể đạt 100% chi phí du học.
- Vay mua bất động sản: Sản phẩm tín dụng hỗ trợ những khách hàng có nhu cầu vay vốn với mục đích mua bất động sản. Tài sản đảm bảo có thể là bất động sản hình thành từ vốn vay hoặc bất động sản có sẵn, các tài sản có giá trị khác của người đi vay hoặc bảo lãnh của bên thứ 3.
- Vay xây dựng - sửa nhà: Là sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn giúp khách hàng thanh toán các chi phí cho mục đích xây dựng, sửa chữa, trang trí và hoàn thiện căn nhà mơ ước.
Điểm quan trọng nhất của gói vay thế chấp là có tài sản đảm bảo, với mỗi mục đích vay, ngân hàng sẽ ưu tiên tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai của chính gói vay đó. Ngoài ra các tài sản đảm bảo khác như sổ đỏ, xe ô tô cũ, nhà máy, hàng hóa hay tài sản cố định vẫn được ngân hàng định giá và xem xét cho vay nếu đủ điều kiện. Do đó, rất nhiều khách hàng quan tâm đến các gói vay thế chấp sổ đỏ, vay thế chấp nhà ở, thế chấp xe... để phục vụ các mục đích khác nhau, tuy nhiên tất cả các gói vay đều phải chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp lý và hợp lệ.
Điều kiện và thủ tục khi vay thế chấp
Khi vay thế chấp tại các ngân hàng, bạn cần đáp ứng các điều và thủ tục cơ bản sau đây:
Điều kiện:
- Có tài sản đảm bảo theo quy định của ngân hàng cho vay. Tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu, quản lý của người đi vay hoặc một số ngân hàng chấp nhận tài sản đảm bảo của bên thứ ba nhưng phải được ủy quyền và được ký xác nhận của bên thứ ba. Thời điểm ký kết hợp đồng vay vốn, tài sản đảm bảo không xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng cũng như quản lý.
- Khách hàng đi vay có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu tại thời điểm vay
- Có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay. Nguồn thu nhập chủ yếu từ lương, kinh doanh và cho thuê tài sản.
- Có mục đích vay vốn cụ thể, rõ ràng
Thủ tục:
- Giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân: CMND, hộ chiếu, hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu có), sổ tạm trú.
- Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính/thu nhập: Phương án kinh doanh, giấy tờ theo dõi hoạt động kinh doanh, doanh số kinh doanh, hợp đồng lao động, sao kê lương... (tùy thuộc theo mục đích, nhu cầu vay ngân hàng sẽ yêu cầu cung cấp loại giấy tờ phù hợp)
- Giấy tờ vay vốn: Giấy tờ xin vay vốn, giấy tờ chứng minh phương án vay vốn, trả nợ... (tùy thuộc vào mục đích, nhu cầu vay mỗi ngân hàng sẽ có yêu cầu cụ thể)
- Giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo: Giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản hợp pháp, hợp đồng mua bán xe/nhà, giấy tờ có giá...
Lãi suất cho vay thế chấp và cách tính lãi
Lãi suất vay thế chấp ngân hàng thông thường sẽ thấp hơn vay tín chấp do có tài sản đảm bảo để thế chấp. Lãi suất vay thế chấp giao động từ 6% - 12% phụ thuộc vào mục đích vay, đơn vị cho vay và chương trình ưu đãi vay.
- Lãi suất ưu đãi: Lãi suất ưu đãi là lãi suất mà ngân hàng đưa ra ban đầu nhằm thu hút người vay. Thông thường mức lãi suất ưu đãi sẽ giao động trong khoảng từ 6% - 8%/năm (tùy vào mục đích vay vốn). Lãi suất ưu đãi được tính trong thời gian đầu của gói vay và có thời hạn cụ thể, khách hàng có thể chọn chương trình ưu đãi trong 3 tháng, 6 tháng 12 tháng hoặc 24 tháng với từng mức lãi suất ưu đãi tương ứng.
- Lãi suất sau ưu đãi: Hết thời gian ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất sau ưu đãi cho từng gói vay. Phần lớn các ngân hàng đưa ra mức lãi suất sau ưu đãi = lãi suất tiết kiệm của một kỳ hạn nào đó (12 tháng, 13 tháng, 24 tháng…) + biên độ lãi suất. Hoặc một số ngân hàng áp dụng lãi suất sau ưu đãi = lãi suất cơ sở mà ngân hàng đưa ra + biên độ lãi suất.
- Biên độ lãi suất: Ngân hàng sẽ đưa ra biên độ lãi suất cho từng gói vay và không vượt quá mức 4,5%/năm. Như vậy với mỗi chương trình ưu đãi khác nhau mà khách hàng chọn có thể sẽ có mức lãi suất sau ưu đãi không giống nhau do có sự khác biệt về biên độ lãi suất.